Thị trường địa ốc phía Nam phát triển mạnh sau thời gian dài “ngủ quên”, hàng loạt chung cư lớn nhỏ ở mọi phân khúc được mọc lên, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư đặt tên Tây cho các khu chung cư khiến cư dân gặp không ít khó khăn trong quá trình sử dụng.
Ma trận tên gọi Tây
Cách đặt tên gọi một dự án thường toát lên đặc điểm nhận dạng về vị trí, dòng sản phẩm, cảnh quan, phong cách thiết kế, đối tượng khách hàng… Đặc biệt, đặt tên cho dự án cũng là việc khẳng định đẳng cấp, thương hiệu để mỗi khi nhắc đến sản phẩm đó, người mua nhớ ngay đến chủ đầu tư hay “cái chất” riêng của nó. Không những thế, tên gọi dự án còn là một trong những yếu tố tiếp cận và thu hút người mua đầu tiên.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều chủ đầu tư lạm dụng tên nước ngoài để đặt cho dự án của mình.
Thậm chí, có những dự án trùng tên như Saigon Plaza (một dự án ở quận 1 và một dự án ở quận 7) Lotus Apartment (một dự án ở quận Thủ Đức và một dự án ở quận 11).
Các dự án có tên na ná nhau như Dream Home Palace, Dream Home Residence, Dream Home Luxury Apartment.
Bên cạnh đó, có những dự án có tên gọi dài ngoằng với nhiều từ “ngoại quốc” khó đọc và khó nhớ với người Việt như:
- Angela Boutique Serviced Residence (quận 3),
- River Garden Executive Residences (quận 2),
- New Generation Apartment (quận 1),
- The Era Royal Plaza (quận 7),
- Somerset Chancellor Court (quận 1),
- hay XI Riverview Palace (quận 2)…
Việc đặt tên ngoại cho dự án bất động sản từng được đưa ra bàn luận sôi nổi những năm trước kia.
Khi đó, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng từng đưa ra quy định tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bởi đó là tên thương mại của dự án mà đôi khi tiếng Việt không thể hiện hết những yêu cầu mà chủ đầu tư đặt ra.
Do đó, quy định này sau đó không được đưa vào sắc luật mới ban hành.
Không phải cứ tên Tây là sang
Mới dọn về sống tại một dự án có tên Tây dài tại TP.HCM chưa được bao lâu, gia đình anh Quân đã gặp một tình huống dở khóc dở cười với mác tên Tây của tòa nhà chung cư.
“Khi tôi làm thủ tục chuyển hộ khẩu cho gia đình từ quê lên địa chỉ mới, thì cán bộ hộ khẩu tại địa phương không thể ghi một cách chính xác tên tòa nhà bằng tiếng Anh do quá dài và khó nhớ.
Sau đó, tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển hộ khẩu”, anh Quân chia sẻ.
Không chỉ vậy, cư dân ở các khu chung cư có tên nước ngoài, nhất là các dự án có tên dài còn gặp rắc rối khi khi đi làm các thủ tục giấy tờ như chứng minh nhân dân, vì địa chỉ nơi ở quá dài, không thể cập nhật đầy đủ các loại giấy tờ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Sơn, một môi giới phân khúc căn hộ tại quận Thủ Đức cho biết, mặc dù không ít dự án mang tên Việt bán khá chạy trên thị trường, nhưng chạy theo xu thế chung, chủ đầu tư thường thích đặt tên nước ngoài cho… sang.
Chiến thuật này đánh vào tâm lý của người Việt là sính đồ ngoại.
“Chưa cần biết đến chất lượng ra sao, nhưng nghe những cái tên nước ngoài vẫn thể hiện được phần nào đẳng cấp của dự án”, anh Sơn chia sẻ.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp lấy tên ngoại đặt cho dự án nội nhằm mục đích đánh bóng dự án, đẩy giá bán lên cao mà không lo khách hàng chê đắt.
Trong khi đó, chất lượng lại kém, không gian tù túng, cơ sở hạ tầng không đồng bộ.
“Đối với một công trình địa ốc, chất lượng mới là cái quan trọng, cần phải lưu tâm khi quyết định mua nhà.
Tuy nhiên, nó lại là thứ khó kiểm chứng, bởi phải đưa vào sử dụng mới nhận biết được, nên khách hàng rất khó đánh giá khi dự án chưa hình thành”, ông Đực nhấn mạnh.
Tại một cuộc hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, tình trạng tên dự án quá dài, khó nhớ, cũng khiến khách hàng đôi khi không thể gọi tên chính xác tòa nhà mình đã mua hoặc đang ở, nên việc lan tỏa thương hiệu chưa chắc đã hiệu quả.
“Đó là chưa kể, nhiều dự án còn đặt tên khó hiểu, thậm chí vô nghĩa hoặc na ná nhau.
Điều đó về lâu dài có tác động không tốt tới thương hiệu cũng như uy tín, hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư”, ông Hùng nhận định.
Việt Dũng (Báo Đầu tư Bất động sản)