Nói đến phong thủy là nói đến khả năng diễn giải về môi trường sống. Những thầy phong thủy sử dụng một số phương pháp tiếp cận khác nhau để giao tiếp với năng lượng hoặc “cảm giác” của một nơi chốn, và thay đổi chi tiết để mang lại hiệu quả cho những người đang sống hoặc làm việc tại nơi ấy.
Các trường phái Phong Thủy
Cho dù sử dụng cách tiếp cận nào đi nữa nhưng một khi nắm được các nguyên lý của thuật phong thủy thì việc thực hành này mới có tác dụng. Những thầy phong thủy rất thường phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để tạo ra những hiệu quả như mong muốn.
Trường phái môi sinh
Người xưa chủ yếu sống dựa vào sự tinh anh và hiểu biết về điều kiện tự nhiên của nơi họ ở. Thời ấy, nhu cầu bản thân không nhiều, chỉ là những gì cơ bản: ăn và ở.
Nhờ quan sát họ biết hướng nào gió thường thổi đến và sẽ dựng nhà ở thế đất được che chắn. Họ cần nước để trồng trọt và vận chuyển vụ thu hoạch nên sông ngòi rất quan trọng, và dòng chảy của các con sông cùng việc định hướng các bờ bãi sẽ quyết định loại hoa màu trồng trọt. Chi phái phong thủy này được gọi là trường phái Hình thể hay trường phái Địa hình, và là phương pháp tiếp cận cổ xưa nhất.
Trường phái la bàn
Thời Trung Quốc cổ, các thầy địa lý nghiên cứu địa hình và luồng nước trong khi các nhà thiên văn lập sơ đồ bầu trời. Những người hiểu được sức mạnh của thông tin mà họ đang nắm giữ thường ghi lại sở học của mình lên một dụng cụ gọi là la bàn, hoặc địa bàn.
Trên la bàn không chỉ minh họa phương hướng mà còn xem xét cả năng lượng của mỗi phương vị căn cứ trên địa hình hoặc thiên thể tìm thấy ở hướng ấy. Việc diễn giải những năng lượng này sẽ cho biết đó có phải là nơi thích hợp cho con người hay không.
Phong thủy dựa trên Kinh Dịch,
một triết thư diễn dịch các nguồn năng lượng trong vũ trụ. Sáu mươi bốn hình trong Kinh Dịch minh họa chu kỳ của tự nhiên trong năm tạo nên vòng ngoài của la bàn.
Là công trình chung của các học giả uyên bác trong nhiều thế kỷ, Kinh Dịch cung cấp cho chúng ta một phương tiện để liên kết dòng chảy năng lượng tự nhiên của vũ trụ. Yếu tố thời gian được bao hàm trong nó cho phép các cá nhân thực hiện việc liên kết này theo nhiều cách khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của họ.
Trường phái Trực giác
Các bản văn cổ thường minh họa đầy đủ mọi hình dáng núi non và luồng nước và đặt cho chúng những cái tên mang tính ẩn dụ, thể hiện cách suy nghĩ đặc trưng của người Trung Quốc xưa. Ví dụ như “Hổ phục” (cọp đang rình mồi) gợi ý về một thế đất xấu, là nơi mà những người cư trú ở đây sẽ không bao giờ cảm thấy an bình, trong khi đó “Long nhi vọng mẫu” (rồng con ngắm nhìn mẹ) lại cho thấy đây là một môi trường sống yên vui hơn nhiều.
Trong Thủy Long Kinh, người xưa trình bày chi tiết hơn về những thế đất tốt nhất để dựng nhà, mô tả phương vị dòng chảy trong các nhánh sông, với những tên gọi biểu thị loại môi trường sinh sống. Khả năng cảm nhận của người đang sống và làm việc tại thế đất ấy trở nên bén nhạy và kiến thức của họ về thế giới tự nhiên đã ban tặng cho họ bản năng tìm ra những vùng trồng trọt thích hợp.