20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Môi giới bất động sản là một hoạt động mang tính nghề nghiệp, chính vì thế, tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản chuyên nghiệp bên cạnh việc chấp hành pháp luật còn phải tuân thủ các yêu cầu đạo đức nghể nghiệp.

Ở các nước phát triển, vấn đề đạo đức nghề nghiệp môi giới bất động sản rất được coi trọng, biểu hiện ở việc ban hành bộ tiêu chuẩn quy tắc đạo đức nghề nghiệp bắt hội viên phải tuân theo, trường hợp vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nghề môi giới thì hội viên đó sẽ bị khai trừ và bị tước chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, thậm chí còn bị cấm hành nghề vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức nghề môi giới bất động sản.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Ở Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, tuy nhiên Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã đưa ra bản “Dự thảo quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm kinh doanh, môi giới bất động sản”. Đây chính là một yêu cầu cần thiết để ghi nhận những đạo đức nghề nghiệp đối với loại hình dịch vụ này trong một văn bản pháp lý có giá trị, khẳng định được vị trí của nghề môi giới bất động sản, được xã hội tôn trong như bao nghề cao quý khác.

Bản dự thảo “20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản” của Hiệp Hội Môi Giới Bất Động Sản Việt Nam như sau:

Quy tắc 1. Tuân thủ nguyên tắc chung của nghề

1. Nhà môi giới bất động sản phải tuân thủ nguyên tắc chung của nghề môi giới là công khai, minh bạch, trung thực và tuân thủ pháp luật.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

2. Nhà môi giới không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.

Quy tắc 2. Trang phục và phong cách

1. Nhà môi giới cần mặc lịch sự và phải đeo thẻ khi làm việc và giao tiếp với khách hàng.

2. Khi giao tiếp nhà môi giới phải giới thiệu về mình và đơn vị mình làm việc.

3. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, trong sáng, ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc.

4. Không nói tục, không nói tiếng lóng, không quát nạt với khách hàng và đồng nghiệp.

Quy tắc 3. Đảm bảo năng lực chuyên môn khi hành nghề

1. Nhà môi giới phải thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ khi làm việc.

2. Nhà môi giới phải thực hiện nghiệp vụ môi giới với năng lực chuyên môn và sự cẩn trọng cao nhất và làm việc với tinh thần trung thực, tận tâm, trách nhiệm với khách hàng.

3. Nhà môi giới phải cập nhật những thay đổi về tình hình thị trường và các quy định của pháp luật có liên quan đến nghiệp vụ.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Quy tắc 4. Trung thực, tận tâm trong công việc

1. Nhà môi giới phải cung cấp thông tin bất động sản đúng sự thật, không được phép tạo ra sự hiểu biết sai lệch về bất động sản cho khách hàng và những người liên quan.

2. Nhà môi giới phải tận tâm, sáng suốt trong quá trình cung cấp thông tin chi tiết cho khách hàng để khách hàng hiểu biết rõ ràng, thông suốt về sản phẩm và hợp đồng trong giao dịch bất động sản.

3. Chỉ được cung cấp các dịch vụ trong phạm vi thẩm quyền của mình.

4. Nhà môi giới không được nhận bất kỳ lợi ích vật chất hay tinh thần nào từ phía khách hàng (hoặc đối tác) để ảnh hưởng tới đạo đức nghề nghiệp của mình hoặc những ngưòi cùng làm việc.

5. Không được làm những công việc có liên quan đến khách hàng mà có cam kết nhận hay trả những khoản lợi ích ngoài những thu nhập thông thường.

6. Không được cam kết những vấn đề ngoài khả năng của cá nhân hoặc của doanh nghiệp mình tham gia.

7. Tiền thu được từ các dịch vụ phải được xác định một cách độc lập, theo quy định công khai của doanh nghiệp hoặc hợp đồng, không phụ thuộc vào kết quả, ý chí chủ quan của các bên.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Quy tắc 5. Giao tiếp và ứng xử với khách hàng

1. Trong giao tiếp và ứng xử với khách hàng phải có thái độ lịch sự, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, tư vấn, giải thích rõ ràng, cụ thể về các dịch vụ và những thắc mắc của khách hàng.

2. Không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi làm việc với khách hàng.

3. Thông tin cung cấp cho khách hàng phải đảm bảo công bằng với mọi khách hàng. Không thành kiến, thiên vị trong mọi hành vi của mình.

Quy tắc 6. Giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp

1. Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Nhà môi giới phải cộng tác với nhà môi giới khác vì quyền lợi tốt nhất cho khách hàng của mình. Sự hợp tác đó phải vô tư và không vì động cơ chia sẻ quyền lợi.

3. Tôn trọng quyền lựa chọn nhà môi giới của khách hàng, trong trường hợp khách hàng không muốn tiếp tục làm việc với mình và có nhu cầu chuyển sang làm việc với nhà môi giới khác thì không được có thái độ bài trừ, bất hợp tác hay những hành vi không tốt với nhà môi giới mà khách hàng muốn hợp tác làm việc ngoại trừ việc yêu cầu khách hàng tuân thủ việc thanh lý Hợp đồng đã ký.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Quy tắc 7. Giao tiếp và ứng xử với đối thủ cạnh tranh

1. Thực hiện cạnh tranh lành mạnh bằng các năng lực (chuyên môn, tài chính, ngoại giao..) của mình và doanh nghiệp của mình tham gia.

2. Không chào hàng theo khiểu phá giá, đăng ký bao vây bán chỗ..

3. Không tung tin, nói xấu, vu cáo đối thủ cạnh tranh.

4. Trân thành chúc mừng thắng lợi của đối thủ cạnh tranh và sẵn sàng hợp tác nếu có cơ hội hoặc được mời tham gia.

5. Vượt qua mặc cảm, hợp tác chuyên nghiệp với đối thủ cạnh tranh trong các công việc chung của Hội nếu được phân công cùng làm việc.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Quy tắc 8. Ứng xử với doanh nghiệp nhà môi giới làm việc

1. Trong hoạt động tiếp thị và quảng cáo nhà môi giới không được làm ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp mình tham gia.

2. Không được ung cấp các thông tin không đúng về những công việc hoặc dịch vụ mà cá nhân hoặc doanh nghiệp mình tham gia có thể làm được.

3. Không được nói xấu hoặc đưa thông tin sai về doanh nghiệp mình tham gia.

Quy tắc 9. Trách nhiệm khi làm người đại diện mua bán bất động sản

1. Nhà môi giới khi làm người đại diện phải tự cam kết bảo vệ và đề cao quyền lợi của khách hàng.

2. Nhà môi giới phải trung thực với khách hàng và những người liên quan trong quan hệ giao dịch.

3. Nhà môi giới không được cố ý hướng dẫn khách hàng sai lầm về giá trị thị trường, các lợi ích không trực tiếp có trong giao dịch.

4. Nhà môi giới phải thông báo rõ ràng khi làm đại diện cho cả hai bên trong một giao dịch, và phải được sự đồng ý của họ.

5. Có trách nhiệm khuyến cáo khách hàng sự cần thiết được tư vấn pháp lý trước khi đưa ra các quyết định, hoặc khi có sự nghi vấn về hợp đồng.

6. Phải tuyệt đối bảo vệ bí mật về các thông tin do khách hàng cung cấp để không gây bất lợi cho khách hàng.

7. Có trách nhiệm chu đáo đối với tài sản của khách hàng do mình giữ hay quản lý.

8. Cung cấp cho khách hàng các thông tin về chính sách của doanh nghiệp mình tham gia về hợp đồng, thù lao, lệ phí, giá cả chào mua, chào bán.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Quy tắc 10. Công khai đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản

Nhà môi giới phải công khai đầy đủ, rõ ràng và kịp thời thông tin về bất động sản cho khách hàng.

Không được hư cấu thông tin, nói sai sự thật về tài sản. Không được che dấu các sự kiện, đặc điểm hiển nhiên liên quan đến tài sản và giao dịch.

Nhà môi giới phải công khai sự liên quan về quyền lợi của mình đối với tài sản được giao dịch (nếu có).

Cấm lừa gạt thông tin, thao túng thông tin, cung cấp thông tin sai lệch, hư cấu cho khách hàng.

Quy tắc 11. Bảo mật thông tin

Nhà môi giới không được tiết lộ thông tin về khách hàng và bất động sản khi chưa được sự đồng ý của khách hàng và những thông tin nằm ngoài phạm vi công việc đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng.

Không đưa những thông tin về khách hàng và bất động sản khác của nhà môi giới khác đang làm đại diện giao dịch.

Quy tắc 12. Mọi thỏa thuận với khách hàng phải lập thành văn bản

1. Mọi thoả thuận của các bên trong giao dịch phải được lập thành văn bản.

2. Nhà môi giới phải giải thích rõ nội dung các điều khoản của hợp đồng trước khi đưa ra cho các bên thỏa thuận ký kết.

Quy tắc 13. Không được nhận các khoản thù lao ngoài hợp đồng

1. Nhà môi giới không được nhận bất cứ khoản thù lao hay ưu đãi về lợi ích nào khác ngoài các khoản đã được thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng.

2. Không được gợi ý cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khác do mình có quyền lợi liên ở đó nhằm hưởng thù lao mà không thông báo công khai ngay từ đầu.

3. Nhà môi giới chỉ được nhận thù lao từ một bên trong giao dịch. Nếu Nhà môi giới bất động sản nhận thù lao cả hai bên hoặc bên thứ ba trở lên trong giao dịch thì phải được thoả thuận trong hợp đồng.

20 quy tắc đạo đức kinh doanh của nghề môi giới bất động sản

Quy tắc 14. Những việc nhà môi giới bất động sản không được làm

1. Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản.

3. Gian lận, lừa dối khi thực hiện công việc môi giới.

4. Huy động, chiếm dụng vốn trái phép của khách hàng.

5. Thu phí, hoa hồng và các khoản thu khác trái với quy định của pháp luật.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

7. Tự ý thay đổi mức phí các dịch vụ so với mức quy định của doanh nghiệp mình tham gia mà chưa có sự đồng ý hay quyết định của người có thẩm quyền.

8. Tranh giành khách hàng hay có những hành vi tương tự gây mất đoàn kết trong nội bộ và các đơn vị thành viên.

9. Không được sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán nhằm thu lợi cho riêng mình.

10. Cung cấp những thông tin gây bất lợi cho doanh nghiệp mình tham gia.

11. Làm mất hợp đồng hoặc các giấy tờ là tài sản của doanh nghiệp mình tham gia hoặc khách hàng (trừ trường hợp rủi ro bất khả kháng do cháy nổ, thiên tai, mất cắp..).

12. Đề nghị, yêu cầu khách hàng đưa tiền để được cung cấp những sản phẩm tốt hơn nhằm mục đích tư lợi cá nhân gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp mình tham gia.

13. Thái độ và hành vi không nghiêm túc, không lịch sự với khách hàng và đồng nghiệp.

14. Sử dụng thời giờ làm việc hoặc tài sản của doanh nghiệp mình tham gia vào việc riêng.

15. Cố ý tư vấn không trung thực cho khách hàng về sản phẩm bán.

16. Sử dụng thông tin có được của nhà môi giới khác (trên mạng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng) để môi giới cho khách hàng của mình mà không thông qua nhà môi giới đăng tin.

17. Những quy định không được làm tại các quy tắc khác.

Quy tắc 15. Ngăn ngừa xung đột lợi ích

1. Trong quá trình hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp mình tham gia, nếu có sự xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp mình tham gia với khách hàng hoặc các nhân viên với khách hàng mà có thể ảnh hưởng đến kết quả các dịch vụ của doanh nghiệp mình tham gia thì nhà môi giới phải công bố rõ những thông tin liên quan đến xung đột trên cho người quản lý và khách hàng.

2. Công khai sự liên quan về quyền lợi của chính mình, của người thân trong gia đình, thành viên trong doanh nghiệp mình tham gia (nếu có) đối với bất động sản giao dịch. Không được tự mua, bán, hưởng lợi từ giao dịch nếu che dấu sự liên quan của mình tới bất động sản được giao dịch. Không được đại diện cho người thân của mình, người trong doanh nghiệp mình tham gia mua bán bất động sản nếu không công khai sự liên quan của họ tới bất động sản giao dịch.

Quy tắc 16. Cạnh tranh lành mạnh và tôn trong các thỏa thuận độc quyền

1. Nhà môi giới không được cố ý hay cẩu thả xác nhận các điều gian dối, không đúng về đối thủ cạnh tranh, việc kinh doanh hay hành nghề kinh doanh của họ.

2. Không được kiện, khiếu nại người cạnh tranh vô căn cứ.

3. Không được cố ý đưa ra các ý kiến gây hiểu sai bất lợi cho người cạnh tranh.

4. Không chào hàng phá giá để chiếm quyền phân phối sản phẩm.

5. Nhà môi giới khi hành nghề không được thực hiện các hoạt động xâm phạm các thoả thuận độc quyền đại diện hoặc độc quyền liên hệ với khách hàng, doanh nghiệp mình tham gia mà người khác, doanh nghiệp mình tham gia khác đã ký kết.

6. Trước khi ký hợp đồng dịch vụ với khách hàng Nhà môi giới phải hỏi kỹ và xác minh xem khách hàng đã có hợp đồng độc quyền với người khác về dịch vụ đó chưa.

7. Trường hợp có khách hàng (cần mua, thuê, hợp tác..) phải liên hệ với nhà môi giới đăng thông tin trước để cùng nhau thực hiện giao dịch và thống nhất phân chia hoa hồng.

Quy tắc 17. Trách nhiệm trước pháp luật

1. Nhà môi giới không được tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, phải có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng sự cần thiết được tư vấn pháp lý vì quyền lợi của họ.

2. Nhà môi giới có trách nhiệm thực thi đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các vụ việc liên quan tới hoạt động của mình.

Quy tắc 18. Trách nhiệm với tổ chức nghề nghiệp

1. Nhà môi giới có trách nhiệm tham gia các hoạt động chung của Hội nghề nghiệp của mình (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam).

2. Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, đúng thời gian các số liệu giao dịch bất động sản mình thực hiện hoặc mình nắm được theo quy định của Hội để tổng hợp phân tích tình hình thị trường và được nhận bản tin tổng hợp tình hình thị trường để phục vụ cho hoạt động của mình.

Quy tắc 19. Ứng xử trong tranh chấp

Nhà môi giới phải ưu tiên giải quyết các tranh chấp bằng hình thức hoà giải. Chỉ đưa ra tòa những tranh chấp đã thông qua hòa giải ở Hội nhưng không thành.

Quy tắc 20. Cam kết thi hành

Hội viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam có nghĩa vụ đọc và hiểu rõ các các quy tắc đạo đức và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Quy tắc đạo đức này.

Hội viên Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vi phạm các quy tắc đạo đức sẽ chịu các hình thức kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm, đồng thời có trách nhiệm đền bù thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật do hành vi vi phạm quy tắc đạo đức gây ra./.

Theo Hiệp Hội Môi Giới Bất Động Sản Việt Nam.

DOWNLOAD TRỌN BỘ

5/5 - (4 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

NHẬN BẢNG GIÁ


    *Lưu ý: Thông tin sẽ được bảo mật